CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Chính quyền điện tử giúp nâng chất lượng phục vụ
Ngày đăng 30/03/2022 | 09:29  | Lượt xem: 212

Kinhtedothi - Thúc đẩy xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, DN là nội dung đang được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng.

Qua đó, hiện thực mục tiêu đến năm 2025 sẽ dẫn đầu cả nước, xếp thứ hạng cao trong khu vực về lĩnh vực này như Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII đã đề ra.

Tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm.   
Tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm.   

Nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến

Như lãnh đạo TP đã nhận định, Hà Nội luôn xác định, ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính (CCHC). Để triển khai thực hiện, TP đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động thông suốt, liên tục. Phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử TP Hà Nội - Xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, tạo khung pháp lý cho việc xây dựng và phát triển.

TP cũng liên tục đổi mới công tác tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) qua mở rộng, đa dạng hóa hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội, khu dân cư điện tử… để người dân nắm, hiểu rõ khi thực hiện. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân, tổ chức việc tiếp nhận và trả kết quả tới công dân qua hệ thống bưu chính công ích, hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của TP, Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trong quý I/2022, một trong những nội dung CCHC được TP tập trung tổ chức triển khai là quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa” các cấp. Đồng thời, đẩy mạnh giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân.

Thực tế tại các các quận, huyện cho thấy, số lượng người dân làm thủ tục trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Tại huyện Phú Xuyên, nếu cả năm 2021, huyện chỉ tiếp nhận 305 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thì chỉ riêng những tháng đầu năm 2022, số người dân, DN thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã đạt 428 hồ sơ.

Tại quận Ba Đình, từ tháng 1/2022, bộ phận “một cửa” UBND quận đã có sáng kiến đăng ký đặt hẹn trực tuyến cho công dân khi có nhu cầu làm TTHC. Công dân chỉ cần truy cập vào Cổng thông tin điện tử của quận, vào mục “Đăng ký đặt hẹn trực tuyến tại bộ phận một cửa” để kê khai thông tin và chủ động đặt thời gian đến giao dịch…

Thống kê cho thấy, hiện tổng số TTHC của TP Hà Nội là 1.843 thủ tục, trong đó có 1.685 thủ tục đủ điều kiện để triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Tính đến ngày 1/3, TP Hà Nội đã có 254 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Dự kiến, đến tháng 12/2022, TP thực hiện tích hợp ít nhất 794 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ tiêu đề ra.

Đơn giản hóa quy trình, thủ tục

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC tiếp tục được TP tập trung thực hiện hiệu quả. Trong đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; công bố, công khai các quy định, trọng tâm là quy hoạch, đất đai, đầu tư, tư pháp, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, lao động, thuế.... Cùng với đó, rà soát, thống kê, tổng hợp xây dựng quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC trong các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, tài nguyên - môi trường.

TP cũng triển khai việc thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết TTHC đối với lĩnh vực đất đai, đảm bảo ủy quyền triệt để cho chi nhánh trực thuộc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với một số trường hợp theo quy định.

Đặc biệt, những vấn đề tồn tại, còn hạn chế trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” sẽ được rà soát để khắc phục. Trong năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 60% số TTHC thuộc thẩm quyền; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 30%; tất cả kết quả xử lý hồ sơ được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

TP cũng đang hướng đến mục tiêu ít nhất 30% số người dân, DN khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục (trước đó), mà cơ quan nhà nước giải quyết đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó đã được cơ quan khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu... Phấn đấu giảm thời gian chờ đợi của người dân, DN tại bộ phận “một cửa” xuống trung bình còn 30 phút/lần đến giao dịch...

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1003/QĐ-UBND về kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC; rà soát, thống kê, xây dựng quy trình TTHC liên thông năm 2022. Trong đó, TP yêu cầu nâng cao chất lượng giải quyết TTHC và sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục cho người dân, DN...

Nguồn:kinhtedothi.vn