TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

Không chủ quan nhưng không hoảng sợ trước bệnh đậu mùa khỉ
Ngày đăng 06/10/2022 | 06:51  | Lượt xem: 134

(HNMO) - Ngày 4-10, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh đậu mùa khỉ tại thành phố đã âm tính với vi rút này và ít khả năng lây bệnh ra cộng đồng. Ngành Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân không chủ quan để chung tay phòng, chống căn bệnh này.

 Tài liệu tuyên truyền phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, hiện chưa phát hiện thêm trường hợp nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. Thời gian qua, ngành Y tế thành phố đã và đang triển khai nhiều phần việc để tổ chức hệ thống giám sát căn bệnh này. Thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn về giám sát bệnh đậu mùa khỉ cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập về dấu hiệu nhận biết, cách lấy mẫu, vận chuyển mẫu xét nghiệm, quy trình phát hiện, tiếp nhận bệnh nhân...

Ngay sau tập huấn, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tại thành phố đã triển khai hoạt động giám sát căn bệnh này. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện sớm cũng do hệ thống giám sát của thành phố đã được tổ chức, vận hành đồng bộ và chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận ca bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành rộng rãi tài liệu khuyến cáo người dân tuân thủ để không bị lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều chuyên gia y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra những chỉ dẫn thiết thực.

Một số triệu chứng lâm sàng đáng chú ý ở bệnh đậu mùa khỉ, trong có có nổi mụn nước, phát ban ở người nhiễm.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, hệ số lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ R0 khoảng từ 1.1 đến 2.4, thấp hơn bệnh đậu mùa ở người (smallpox - bệnh đã thanh toán trên toàn thế giới từ 1979). Các con đường lây nhiễm như lây nhiễm từ động vật sang người: Bị động vật có vú nhiễm bệnh cắn, cào. Lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc quan hệ tình dục với người bị bệnh; chạm vào phát ban, vảy ban của bệnh nhân; chạm vào các đồ vật bị ô nhiễm như khăn trải giường, quần áo hoặc thiết bị y tế người bệnh đã sử dụng. Ngoài ra có thể truyền qua nhau thai từ mẹ sang con (đang tiếp tục nghiên cứu).

Hiện chưa có báo cáo về việc lây nhiễm ở động vật nuôi trong nhà, đồng thời chưa có báo cáo về lây người - động vật (nhưng vẫn có giả thuyết lây). 

Nguồn:hanoimoi.com.vn