THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN THÔNG TIN NGƯỜI PHÁT NGÔN

TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA TÌNH
Publish date 16/07/2020 | 09:41  | Lượt xem: 660

TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA TÌNH

Trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của đất nước, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Thấm nhuần lời dạy của Bác:“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”, hơn 7 thập kỷ qua, nhất là trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Cùng với cả nước, 73 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng luôn nỗ lực, cố gắng chăm lo toàn diện cho người có công. Với số lượng người có công lên tới gần 80 vạn người, chiếm khoảng 12,5% dân số của thành phố và bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước, Hà Nội đã vượt qua những khó khăn, thách thức, luôn thực hiện tốt các chương trình đền ơn đáp nghĩa, là địa phương tiêu biểu của cả nước trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công.

Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xét duyệt hồ sơ tồn đọng và xác nhận người có công với cách mạng, ra quyết định trợ cấp cho thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng chất độc da cam; trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo; hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng chính sách; triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Hà Nội đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Từ năm 2012, Hà Nội cấp gần 20 nghìn thẻ đi xe buýt miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, người có công; tổ chức điều dưỡng luân phiên 2 năm/lần cho các đối tượng người có công (theo quy định là 5 năm/lần).

Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố cũng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được xây dựng ở tất cả các cấp, các ngành. Tính từ năm 2008 đến nay, thành phố vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 300 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 13 nghìn gia đình người có công xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng hơn 55 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa; tổ chức điều dưỡng luân phiên cho hơn 130 nghìn lượt người; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí hơn 71 tỷ đồng/năm. Hằng năm, Thành phố dành ngân sách khoảng trên 140 tỷ đồng tặng quà cho đối tượng người có công vào dịp 27-7, Quốc khánh 2-9, Tết cổ truyền dân tộc...

Bằng những việc làm thiết thực, qua các phong trào tình nghĩa, trách nhiệm, tình cảm của nhân dân Thủ đô đối với người có công đã góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhất là đối với thế hệ trẻ; đồng thời tạo thêm nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ các hộ người có công còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020), với lòng biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất đất nước và nguyện tiếp tục nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bằng tình cảm và trách nhiệm, tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, góp phần làm cho đạo lý nhân văn tốt đẹp sáng mãi.

 

 

THÔNG TIN

Lịch công tác tuầnThư viên văn bảnDanh mục thủ tục hành chính Hỏi đáp thủ tục hành chínhHòm thư góp ýLịch tiếp công dân