GIỚI THIỆU CHUNG
Giới thiệu chung về phường Bách Khoa
Bách Khoa là một trong 20 Phường của quận Hai Bà Trưng, nằm phía nam nội thành Hà Nội. Phía tây giáp phường Kim Liên, quận Đống Đa; phía bắc giáp phường Lê Đại Hành, phía đông giáp phường Cầu Dền, phía đông nam giáp phường Bạch Mai và phía nam giáp phường Đồng Tâm.
Phường Bách Khoa nằm trên diện tích tự nhiên 54ha, trong đó các địa bàn dân cư chiếm 19ha. Phần diện tích lớn nhất với 31ha do trường ĐH Bách Khoa Hà Nội sử dụng. Còn lại là diện tích thuộc các cơ quan khác trên địa bàn mà lớn hơn cả là Trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng, Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo phân cấp quản lý, trên địa bàn phường Bách Khoa có 5 tuyến phố:
1. Đường Giải Phóng;
2. Phố Lê Thanh Nghị;
3. Phố Nguyễn Hiền;
4. Phố Tạ Quang Bửu;
5. Phố Trần Đại Nghĩa.
1. ĐƯỜNG GIẢI PHÓNG
Đường Giải Phóng nằm sát phía tây, phân chia phường Bách Khoa quận Hai Bà Trưng với phường Kim Liên quận Đống Đa. Đường có chiều rộng khoảng 40m lưu thông hai chiều.
Đường Giải Phóng có chiều dài toàn bộ 3,3 km bắt đầu từ ngã tư giao cắt với các đường Đại Cồ Việt-Xã Đàn ơ phía Bắc và chạy xuôi đến ngã tư giao cắt với các đường Pháp Vân-Nguyễn Xiển ở phía Nam.
Trước đây, đoạn đường này chỉ rộng khoảng 20m. Từ năm 1984, được Thành phố đầu tư, con đường này mở rộng sát đến cổng Parabol và tường rào Trường như ngày nay. Phần chiều dài thuộc địa giới phía tây phường Bách Khoa khoảng 300m, gắn liền với Khu đào tạo tập trung của trường ĐH Bách Khoa. Dọc theo đoạn hè đường là hàng cây bằng lăng với hoa tím biếc vào những ngày Xuân. Đứng xen kẽ là đôi cây xà cừ cổ thụ, cành lá xum xuê tỏa bóng mát.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là trường đại học đa ngành về kỹ thuật công nghệ, được thành lập ngày 06.3.1956 và khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15.10.1956. Trường luôn là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu của nền giáo dục Việt Nam. Với nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trường đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng quý giá cho các cá nhân và tập thể Nhà trường. Trong đó có Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hai lần vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
* * *
2. PHỐ LÊ THANH NGHỊ
Phố Lê Thanh Nghị với chiều dài toàn bộ khoảng 1.100m, chạy ngang qua ba phường, bắt đầu từ điểm giao cắt với phố Bạch Mai ở phía đông, đi trên địa bàn phường Bạch Mai trên 50m, qua phường Bách Khoa với chiều dài trên 700m rồi xuyên qua phường Đồng Tâm và gặp đường Giải Phóng ở phía Tây.
Phố Lê Thanh Nghị là tuyến đường được xây dựng vào các năm 2000 – 2001 trên cơ sở mở rộng, nắn thẳng lối mòn từ ngõ Văn Chỉ thuộc phường Bạch Mai vào những đoạn đường nội bộ, đường ven sân vận động, đường giữa khu nhà tập thể E3 và E4 thuộc phường Bách Khoa.
Tuyến phố này có mặt đường rộng đến 16m, nhưng vỉa hè khá hẹp. Tuy vậy những hàng cây hoa sữa xen lẫn phượng vĩ tỏa bóng mát quanh năm và hương thơm dìu dịu cũng mang lại cảm giác man mác cho khách qua đường mỗi độ mùa hoa.
Trên tuyến phố có Trung tâm thực hành công nghệ ĐH Bách Khoa, Trạm Y tế Phường, ngoài ra cả hai bên đường còn có Bến xe Bus số 8.
Viện Đào tạo liên tục tọa lạc tại số nhà 94 Lê Thanh Nghị, được thành lập trên cơ sở Khoa Đại học tại chức trường ĐH Bách Khoa ngày 17.11.2011. Viện có chức năng đào tạo đại học hình thức vừa làm vừa học và thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn để nâng cao kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ kỹ thuật theo yêu cầu của thị trường lao động.
Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu ở cùng địa chỉ với Viện đào tạo liên tục được thành lập ngày 02.5.2013 với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp đầu vào có chất lượng tốt, đa dạng cho trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, các trường đại học trong và ngoài nước. Nhà trường giảng dạy theo Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Chương trình giáo dục Quốc tế nhằm đem lại một một dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Đối diện với Viện đào tạo liên tục là Sân vận động Bách Khoa. Đây là công trình thể thao được được cải tạo, nâng cấp vào dịp Việt Nam tổ chức SEA Games 22 năm 2003 với sức chứa trên hai khán đài A và B là 8.000 chỗ ngồi và nhiều khu tập luyện đa dạng, được trang bị dàn đèn đạt chuẩn để có thể hoạt động vào buổi tối. Hiện nay Sân vận động này không những luôn phục vụ cho công tác đào tạo và các hoạt động của Trường mà còn được tổ chức các giải thi đấu, đặc biệt là các giải bóng đá không chuyên của các trường đại học trên toàn quốc và khu vực.
Đối diện với Viện đào tạo liên tục là Sân vận động Bách Khoa. Đây là công trình thể thao được được cải tạo, nâng cấp vào dịp Việt Nam tổ chức SEA Games 22 năm 2003 với sức chứa trên hai khán đài A và B là 8.000 chỗ ngồi và nhiều khu tập luyện đa dạng, được trang bị dàn đèn đạt chuẩn để có thể hoạt động vào buổi tối. Hiện nay Sân vận động này không những luôn phục vụ cho công tác đào tạo và các hoạt động của Trường mà còn được tổ chức các giải thi đấu, đặc biệt là các giải bóng đá không chuyên của các trường đại học trên toàn quốc và khu vực.
Ngay bên cạnh sân vận động Bách Khoa là Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Phường Bách Khoa.
Chợ Bách Khoa hiện nay với cổng chính bên phố Lê Thanh Nghị nằm sát ngã tư với phố Trần Đại Nghĩa, là nơi giao thương cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho cư dân Bách Khoa.
Phố Lê Thanh Nghị chính là tuyến đường thứ hai được xây dựng sau 20 năm thành lập phường Bách Khoa, tiếp tục tạo không gian mở về phía tây-nam qua chiếc cầu trên sông Sét khi sông chưa được cống hóa xây dựng đường.
3. PHỐ NGUYỄN HIỀN
Nguyễn Hiền là tuyến phố nằm gọn trong địa bàn phường Bách Khoa, được Thành phố đặt tên tháng 12 năm 2006 trên cơ sở nâng cấp các đoạn đường nội bộ trong Phường, nguyên là ngõ 46 Tạ Quang Bửu. Tuyến Nguyễn Hiền bắt đầu từ ngã ba với phố Tạ Quang Bửu và điểm cuối thông ra phố Lê Thanh Nghị có chiều dài toàn tuyến khoảng 600m, lòng đường khoảng 4m mà phần lớn không có vỉa hè.
Ngay đầu phố Nguyễn Hiền là nhà A, một trong sáu ngôi nhà cổ từ thời Đông Dương học xá. Tại phòng thí nghiệm Vật lý của trường ĐH Bách Khoa trong tòa nhà A này, vào những năm chiến đấu chống chiến tranh không quân của giặc Mỹ, một tập thể các nhà khoa học Việt Nam do GS.TS. Vũ Đình Cự dẫn đầu đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học quân sự về rà phá tủy lôi và bom từ trường. Hiện nay nhà A được bố trí là nơi làm việc của Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường mà tiền thân là Bộ môn Vật lý và Kỹ thuật hạt nhân thuộc trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Cũng trên đoạn phố này, nằm tiếp theo nhà A là Trường Mầm non Bách Khoa. Ngôi trường có gần 40 năm nuôi dạy bao thế hệ con em của cán bộ, nhân dân trong Phường. Trường Mầm non Bách Khoa được công nhận là trường Chuẩn Quốc gia mức độ 2.
* * *
4. PHỐ TẠ QUANG BỬU
Tạ Quang Bửu là tuyến phố lâu đời nhất của phường Bách Khoa. Theo tư liệu thu thập được đến nay, có thể khẳng định, tuyến phố này bắt đầu được hình thành từ 75 năm trước, toàn tuyến được xây dựng hoàn chỉnh từ hơn 40 năm và được Thành phố đặt tên năm 1998.
Phố Tạ Quang Bửu từ đường Đại Cồ Việt phía bắc chạy về phía nam rồi đông nam gặp phố Bạch Mai. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.000m với lòng đường rộng khoảng 7m. Trong đó, phần nằm trong phường Bách Khoa là 950m, còn lại thuộc phường Bạch Mai.
Vào đầu những năm 70, khi khu học tập và các nhà ký túc xá mới của Trường đại học Bách Khoa do Liên Xô gúp đỡ xây dựng vào giai đoạn cuối, Thành phố đã đầu tư nâng cấp toàn tuyến nội bộ này, từ một con đường đất với bề mặt rộng 2 đến 3m, trở thành đường lớn cho nhiều loại xe cơ giới lưu thông. Đây là tuyến giao thông quan trọng đầu tiên phá thế khép kín của Khu Đông Dương học xá trước đây.
Phố Tạ Quang Bửu là tuyến huyết mạch và cũng là đường trục của phường Bách Khoa.
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo là điểm nhấn trên đoạn đầu của tuyến phố Tạ Quang Bửu tính từ đường Đại Cồ Việt. Viện Đào tạo Quốc tế mới được xây dựng với kiến trúc độc đáo. Viện Đào tạo Quốc tế (SIE), trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được thành lập tháng 12 năm 2009, là cơ sở đào tạo hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và sau đại học.
Nhà F bên phố Tạ Quang Bửu là ngôi biệt thự nằm trong 6 công trình cổ có từ thời Đông Dương học xá, sau 75 năm tồn tại, nó đã được sử dụng cho rất nhiều công năng khác nhau phục vụ nhiều mặt hoạt động của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong đó đã có một thời gian dài là Nhà Truyền thống của Trường. Nay tại đây là nơi làm việc của Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ.
Đối diện với nhà F là Nhà ăn A1-5. Đây là ngôi nhà được xây dựng cùng thời với các công trình do Liên Xô giúp đỡ vào đầu những năm 60 và ban đầu được sử dụng làm nhà ăn cho cán bộ, nhân viên của trường ĐH Bách Khoa với tên gọi Nhà ăn Mùng Một tháng Năm. Hiện nay Nhà ăn A1-5 được dành cho mọi thực khách, bao gồm cả sinh viên và cán bộ nhân viên trong trường cũng như khách vãng lai.
Qua Nhà F và Nhà ăn A1-5 là ngõ 40, một ngõ lớn của phố Tạ Quang Bửu. Ngõ 40 Tạ Quang Bửu được Thành phố Hà Nội và Quận Hai Bà Trưng đầu tư mở rộng và nâng cấp nhiều lần từ một lối đi nội bộ. Trên ngõ có trường Tiểu học Lê Văn Tám được thành lập năm 1967 là một trong những lá cờ đầu của ngành giáo dục đào tạo Thủ đô. Nhà trường đã được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.
Hai bên phố, hầu hết là những công trình của Trường ĐH Bách Khoa như Trung tâm Thể thao và Văn hóa gồm Bể bơi, Sân tennis và đặc biệt là Nhà Luyện tập và Thi đấu Bách Khoa. Ở vị trí này, trước đây là Hội Trường Bát giác, nơi đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần về thăm Trường vào những năm 1960 và 1962.
Đối diện với Trung tâm Thể thao và Văn hóa là tòa nhà của Học viện Công nghệ thông tin và của Chương trình đào tạo Quốc tế Genetic thuộc trường ĐH Bách Khoa. Ngay sát đầu Ngõ 17 Tạ Quang Bửu là tòa nhà E, một biệt thự trong 6 công trình được xây dựng từ thời Đông Dương học xá. Nhiều năm trước, đây là Trụ sở của Ban chấp hành Đảng bộ và Công đoàn trường ĐH Bách Khoa, nay là nơi làm việc của Nhà xuất bản Bách Khoa Hà Nội (NXB BKHN).
Phố Tạ Quang Bửu được nâng cấp từ những đoạn đường nội bộ nhỏ hẹp nên có hè đường không rộng. Ngày nay hai bên tuyến phố là những hàng cây bằng lăng và phượng vĩ mới được trồng thay thế nhưng cũng đủ tỏa bóng mát ngày hè. Đoạn phố bên Sân vận động với hai hàng cây phủ tán thành vòm kín trông thật nên thơ. Nét đẹp của rặng cây này càng thêm lộng lẫy nếu chúng ta biết rằng, mỗi vòm cây, tán lá của nó đang chở che, gìn giữ những dấu chân Bác Hồ kính yêu, như vẫn còn được in đậm nét dọc quãng đường này khi Người ung dung, nhẹ nhàng đặt bước qua đây cùng các đoàn khách cao cấp Quốc tế trong những lần đến thăm trường ĐH Bách Khoa vào những năm 1960 và 1962.
Phố Tạ Quang Bửu không phải là con đường lớn của phường Bách Khoa, nhưng nó là tuyến trung tâm liên kết các Địa bàn dân cư, những công trình quan trọng trong Phường và mang trong mình những nét đẹp hiếm có cả về văn hóa và lịch sử mà ít con đường có được.
5. PHỐ TRẦN ĐẠI NGHĨA
Phố Trần Đại Nghĩa có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.500m, chạy dọc từ đường Đại Cồ Việt phía bắc, cắt phố Lê Thanh Nghị xuôi xuống điểm cuối tại phố Đại La ở phía nam, kết nối phường Bách Khoa với các phường Đồng Tâm và phường Trương Định thuộc quận Hai Bà Trưng. Phố Trần Đại Nghĩa đi qua ba trường đại học lớn của Thủ Đô và của cả nước là ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội và ĐH Kinh tế quốc dân.
Phố Trần Đại Nghĩa được hình thành trên cơ sở cống hóa sông Sét đoạn từ cống Nam Khang (Đại Cồ Việt), đến cầu Đổ (Đại La) và được khởi công vào tháng 11 năm 2005 theo Dự án thoát nước giai đoạn 1 của Hà Nội do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ. Hiện nay, ngoài đoạn được cống hóa xây dựng thành phố Trần Đại Nghĩa, phần còn lại của sông Sét được nạo vét, kè bờ, làm đường và trồng cây hai bên. Nhờ Dự án thoát nước giai đoạn 1 của Thành phố được thực hiện, nhân dân quanh vùng cũng thoát được nỗi ám ảnh do ô nhiễm của con sông Sét gây ra. Quan trọng hơn, nhờ đó, phường Bách Khoa đã ngày càng mở mang sầm uất, thực sự trở thành một vùng đô thị mở hòa nhập vào không gian chung của nội thành Thăng Long tươi đẹp.
Tuyến phố Trần Đại Nghĩa được trồng cây xanh theo quy hoạch bằng các loại cây họ muồng; ven đường phía đông được trồng phượng hoa đỏ hay còn gọi là phượng vỹ và giải phía tây là phượng hoa vàng hay còn gọi là hoàng điệp. Sau gần 10 năm, cây đã xòe tán tỏa bóng mát và nở đôi chùm hoa đầu tiên còn thưa thớt, hứa hẹn những mùa hoa đỏ vàng rực rỡ khắp tuyến phố.Được xây dựng với chiều rộng mặt đường 15m cho 4 làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng 5m, tuyến đường sau khi hoàn thành đã được Thành phố Hà Nội và Quận Hai Bà Trưng tổ chức Lễ gắn biển tên phố với sự có mặt của đại diện gia đình cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa vào tháng 12 năm 2006.
Về mặt địa lý, trên toàn bộ tuyến phố Trần Đại Nghĩa chỉ có gần 600m phía bắc là hoàn toàn thuộc địa phận phường Bách Khoa. Trên suốt cả chiều dài đoạn phố này, giáp mặt đường phía tây là khu đào tạo tập trung của trường ĐH Bách Khoa với cổng phía đông của Trường. Vì vậy hè phố và một phần lòng đường được làm nơi trông giữ xe ô tô.
Về phía đông tuyến phố Trần Đại Nghĩa, ngoài 600m đoạn đầu, địa giới phường Bách Khoa còn kéo dài về phía nam thêm khoảng 500m mà phía đối diện thuộc phường Đồng Tâm. Suốt chiều dài gần 1.100m mặt phố phía đông thuộc phường Bách Khoa chủ yếu là nơi sinh sống của các hộ dân. Đoạn phía bắc tuyến phố là địa bàn dân cư thuộc phường Bách Khoa. Do đặc điểm nằm sát ba trường Đại học lớn và những khu tập thể sinh viên của các trường, dịch vụ in ấn và photocopy, dịch vụ máy tính chiếm ưu thế.
Nằm giữa đoạn phố là trường Mẫu giáo Bách Khoa được công nhận Trường chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Trên đoạn phố từ số nhà 1 đến số nhà 183 Trần Đại Nghĩa là khu vực kinh doanh sầm uất bậc nhất trong Phường. Tại đây ngoài Chi nhành Ngân hàng PVBank và nhiều cửa hàng dịch vụ máy tính, một số siêu thị mini, còn có các cửa hiệu coffee lớn và những quán ẩm thực phục vụ trực tiếp cho sinh viên 3 trường đại học Bách - Kinh - Xây. Địa giới Phường kết thúc tại một tuyến ngõ 183 mới được xây dựng do cống hóa một đoạn mương, có lẽ là tàn dư của con sông cổ cuối cùng của Hà Nội trên địa bàn, giáp ranh với tường rào của trường Đại học kinh tế Quốc dân.
Phố Trần Đại nghĩa là tuyến đường mới mở mang nét đẹp trẻ trung và sôi động, tô điểm thêm vào bức tranh rực rỡ của phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng.
* * *
Qua bao thế hệ dày công vun đắp, phường Bách Khoa mang trong mình truyền thống văn hóa, lịch sử đầy tự hào. Mỗi đoạn đường, mỗi góc phố với bao nét đẹp tiềm ẩn như đang mỉm cười chào đón, như đang thì thầm thúc dục mỗi chúng ta bước tiếp trên những con đường đầy hoa phía trước.